Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Chiều Ghềnh Ráng




















CHIỀU GHỀNG RÁNG

Cứ mỗi lần em về Ghềnh Ráng
Nhìn nắng vàng chạng vạng hoàng hôn
Cuối trời giang cánh mây ôm
Đường lên dốc đá chiều hôm nhớ về.

Mẹ vẫn đứng chằng nề mưa nắng
Lời nguyện cầu sốt sắng con dâng
Tâm hồn quyện sóng lâng lâng
Dạt dào nỗi nhớ bâng khuâng giữa trời.

Ánh trăng khuya một đời lạnh sắc
Cắt tâm hồn ai mặc thương đau
Mai này có nhớ tên nhau
Lời thơ còn thấm sắc màu chưa phai.

Con cất tiếng khẩn nài Mẹ Chúa
Thương con nhiều hoen úa tâm can
Mẹ hằng nghe tiếng kêu van
Đáp lời ban xuống bình an ngập tràn.

Đường in dấu muôn ngàn chân bước
Khắp mọi miền đi ngược về xuôi
Thắp đầy nỗi nhớ khôn nguôi
Lời thơ hương ướp chín muồi quyện bay.

21/03/2018
Suối Ngàn

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Ai Yêu Mến Thầy
















AI YÊU MẾN THẦY

Con nói rằng con yêu mến Chúa
Người bảo rằng chớ hứa khi vui!
Mai đây gặp cảnh ngậm ngùi
Lại đem toan tính đường lui xa Thầy.

Nếu các con yêu Thầy đến thế!
Hãy yêu người nhỏ bé hèn đơn
Yêu luôn cả lúc giận hờn
Thầy đang ở đó trong cơn khốn cùng!!!

Hãy mời Thầy cùng dùng chung bữa
Chính lúc Thầy ở giữa muôn dân
Trong người yếm thế cô thân
Trong người đói rách cơ bần nơi nơi.

Con đã nói bao điều nhân nghĩa
Thầy đã nghe tứ phía vọng về:
Con xin giữ trọn lời thề
Với Thầy mỗi bước đi về yêu thương!

Kìa ai đó bên đường gục ngã
Kìa ai bị ném đá tội tình!
Hãy luôn nhớ đến phận mình
Đỡ người yếu đuối, nhục hình thứ tha!

Nếu yêu Ta, nhớ là yêu họ
Bởi Ta thường đến đó lỡ đường!
Cha Thầy sẽ rất yêu thương
Ở trong mọi kẻ khiêm nhường khắp nơi.

Ai yêu mến giữ lời Thầy dạy
Và thực thi hết thảy mọi ngày!
Nước trời công đức trên tay
Tiệc vui đón tiếp có Thầy có con.

20/03/2018
Suối Ngàn

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Sự Trẻ Trung Của Hội Thánh, Gia Đình và Tu Sĩ Việt Nam




SỰ TRẺ TRUNG CỦA HỘI THÁNH, GIA DÌNH VÀ TU SĨ VIỆT NAM
Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Roma, 25/01/2018
Khi còn là một tân khấn sinh năm thứ nhất Triết học, tôi có dịp được xem một đoạn phim ngắn nói về thực tại rất đáng buồn của xã hội mà chúng ta đang sống. Hồi tưởng lại bộ phim đầy cảm  xúc này và chia sẻ nó với cộng đồng liên Tu Sĩ Rôma trong tập Kỷ Yếu mừng 60 năm thành lập, tôi có ý tự nhắc nhở chính mình về trách nhiệm và ơn gọi dấn thân cho một xã hội và thế giới ngày một tươi đẹp hơn theo như lời mời gọi của Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes của Công Đồng Vaticano II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” Quả thế, môn đệ Chúa không được phép hờ hững trước vấn nạn của thời cuộc và của anh chị em đồng loại. Để thực thi lời mời gọi này, xem ra anh chị em Tu sĩ chúng ta khồng cần phải loay hoay kiếm tìm phương thế đâu xa, vì chính chúng ta đây là khí cụ mà Thiên Chúa muốn dùng để lòng thương xót của Người lan rộng hơn trong thế giới này.
 Bộ phim bắt đầu bằng cảnh một người thanh niên chạc chừng ba mươi một mình với chiếc xe đạp cà rịch cà tàng rong ruổi giữa phố thị người xe tấp nập. Phía sau xe, anh còn kéo theo chiếc rơ-móc nhỏ với chiếc vài chiếc xô nhựa. Anh dần dần tiến gần về phía khu siêu thị mua sắm vui chơi giải trí với từng dãy nhà hàng xa hoa tráng lệ. Trông anh có vẻ lạc lõng giữa đám đông giới trẻ thành thị quần là áo lượt, điện thoại trang sức đắt tiền. Thật ra anh chỉ lướt qua các con phố phồn hoa để len lỏi vào những con hẻm nhỏ và tìm đến với những cánh cửa thấp bé dẫn vào nhà bếp của một vài nhà hàng khách sạn anh quen biết. Anh đến cùng với những chiếc xô nhỏ để thu gom thức ăn thừa. Cảnh tượng này khá quen thuộc đối với tôi vì người hàng xóm cũ của gia đình tôi trước đây vẫn làm như vậy. Bác ấy thường hay đi xin nước lèo cặn thừa từ các tiệm bún tiệm phở về nấu cho heo ăn. Sáng kiến này giúp cho việc chăn nuôi gia súc vừa tiết kiệm vừa rất hiệu quả. Cho nên việc làm của anh thanh niên chẳng có chi đáng cho tôi phải bận tâm. Nhưng ít phút sau, mọi sự đã hàn toàn thay đổi.
Sau khi gom thức ăn thừa, anh vội vã rời phố thị để trở về với xóm làng của anh. Nơi đó có cả một đám trẻ nô nức ùa ra đón chào anh. Chúng phấn khích như đàn con đón mẹ đi chợ về. Khi anh vừa dừng xe và xách chiếc xô nhựa đặt xuống nền đất thì bọn trẻ ngay lập tức châu đầu vào và dùng tay bới vốc từng khúc xương gà, từng cọng mì ý hoặc những mẩu bánh mì xấu xí dị hình. Bọn trẻ bắt đầu ăn. Chúng sung sướng thưởng thức những thứ mà cách đó không xa, trước đó không lâu chính anh chị em đồng bào của chúng đã vứt bỏ không tiếc xót. Có thể nói ai cũng đã khóc khi chứng kiến bọn cảnh bọn trẻ hồn nhiên ngấu nghiến những mẩu ăn thức ăn thừa nhặt ra từ thùng rác của những kẻ lắm tiền. Khán giả chạnh lòng khi bắt đầu hiểu ra được động lực giàu tính nhân văn phía sau việc làm của người thanh niên tốt bụng kia. Phải chăng chúng ta khóc là vì lương tâm của chúng ta đang tố cáo sự dửng dưng vô cảm mà chúng ta đang có? Riêng tôi, tôi đã bật khóc không phải chỉ vì có thế, mà hơn nữa là do những gì tôi chứng kiến tại đoạn cuối của bộ phim.
Người thanh niên kia sau khi đem lại niềm vui và cơ hội sống cho lũ trẻ trong làng, anh bắt đầu dắt xe trở về nhà. Nơi đó vợ và ba đứa con nhỏ cũng đang ngong ngóng mong chờ anh. Anh trao cho người vợ một túi ni-lon nhỏ. Ai cũng có thể đoán được rằng đó là túi thức ăn anh cũng vừa nhặt được từ thùng rác. Người vợ cẩn thận lựa ra miếng gà có chút thịt cho vào đĩa cho cô con gái lớn độ chừng 5 tuổi. Miếng ít thịt hơn chị dành cho cậu con trai khoảng 3 tuổi, còn lại cô bỏ vào đĩa cho chồng. Cô đón lấy đứa con bé nhất chưa biết đi và bồng ẵm nó đứng cạnh chồng. Có lẽ cả nhà đang bị cơn đói cào xé ruột gan nên đứa bé gái lớn chẳng cần phải chờ đợi gì nữa mà ngay lập tức đưa tay ra rón lấy miếng gà trên đĩa. Lúc đó người bố kịp thời khẻ nhẹ vào tay cô con gái. Cô bé như hiểu được ý bố nên vội vàng rút tay, cúi đầu, hai tay chắp lại phía trước ngực. Cô bé đang làm gì vậy? Tôi tự hỏi… Người cha từ tốn đưa tay lên trán và cả nhà họ cùng làm theo: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.” Dĩ nhiên trước đó tôi đã rất xúc động khi thấy người thanh niên cứu đói cho bọn trẻ cùng cảnh ngộ như anh.  Nhưng điều khiến tôi bừng tỉnh và xúc động hơn cả chính là lúc này. Trong khung cảnh vùng quê héo lánh quanh năm mất mùa, thiên tai sâu xé phận người nông dân, bóng tối đã không thể khuất phục được những con người lương thiện. Ngược lại ánh sáng đã bừng lên từ những tấm lòng bác ái, ánh sáng của đức tin và của lòng biết ơn. Chính ánh sáng này khơi lên niềm hy vọng cho biết bao lớp trẻ kém may mắn vì chưng trước khi nói đến chuyện thành đạt hay giàu có trong tương lai thì trước mắt nhu cầu sống sót và tồn tại là cần thiết nhất. Anh đã cứu chúng và cho chúng cơ hội nghĩ đến ngày mai.  
Càng ấn tượng hơn nữa khi tôi nhận ra rằng ánh sáng này bắt đầu từ khung cảnh gia đình và xuất phát từ mẫu gương của chính bậc làm cha làm mẹ. Người cha trẻ đã xuất sắc trở thành thầy dạy đức tin cho gia đình anh không phải bằng lời nói nhưng bằng hành động. Anh nêu gương cho các con anh về lòng biết ơn khi anh sốt sáng làm Dấu Thánh Giá cầu nguyện trước bữa ăn. Còn người mẹ trẻ thì đã thắp lên hạnh phúc của gia đình nghèo này khi chị hóa thân thành biểu tượng sống của một tình yêu đích thực, tình yêu cho đi. Chị thật phi thường khi nhường hết mọi phần cho chồng cho con, không hề tính toán so đo thiệt hơn. Chiếc bàn ăn mốc meo ọp ẹp, mấy cái đĩa nhựa cong vảnh và ngọn đèn dầu leo loét không thể ngăn cản gia đình này đạt tới hạnh phúc mà biết bao nhiêu người giàu sang hằng mơ ước. Dài chưa tới 7 phút nhưng bộ phim tài liệu Chicken a la Carte chứa đựng cả một bài học nhân văn vô cùng to lớn cho lương tri của nhân loại hôm nay. Nó là câu chuyện thực xảy ra tại nước Philippines rất gần với quên hương Việt Nam của chúng ta. Cho nên đối với tu sĩ Viết Nam chúng ta, thì mẫu gương sống đức tin và đức ái của gia đình trẻ nhân vật chính trong bộ phim chính là lời cật vấn cho căn tính và sứ mạng của chúng ta. Không nhất thiết phải có thật nhiều thì chúng ta mới có thể thực thi đòi hỏi của Tin Mừng nhưng chỉ cần chúng ta biết cho đi là chúng ta đã sống đúng với ơn gọi “Môn Đệ” của mình. 
Tập kỷ yếu của Liên Tu Sĩ Roma dần hình thành trong bối cảnh chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới 2018 với nhiều ngày lễ đặc biệt. Từ ngày Quốc Tế Người Nghèo lần đầu tiên được cử hành tại Vatican (19/11/2017) đến đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh, tất cả đều như nhắc nhở người tu sĩ về căn tính khó nghèo của mình. Chính hình ảnh Ngôi Lời hóa thân thành hài nhi Giêsu nằm giữa máng cỏ hang lừa đã trở nên dấu chứng hùng hồn nhất cho tình yêu đích thực, tình yêu cho đi, tình yêu vô vị lợi. Đức Giêsu Kitô “vốn giàu có, lại trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người” (2Cr 8,9). Người đã là con của một gia đình bình dân (x. Mt 13,55), và chính Ngài đã sống nghèo đến độ không dính bén lệ thuộc vào bất thứ gì (x. Lc 9:58). Cái nghèo của Đức Kitô là cái nghèo của sự liên đới, của cảm thông và chia sẻ do đó nó là “Tin Mừng,” là tin vui chuyển tải thông điệp hồng phúc cho người nghèo và người bất hạnh. Cũng vậy, căn tính khó nghèo, khiết tịnh, và vâng phục của người môn đệ Đức Kitô là nhằm làm chứng cho tình yêu vô vị lợi, tình yêu đặt lợi ích người khác lên trên đến độ quên cả chính mình. Anh chị em tu sĩ chúng ta khi “sống nghèo” vì lòng mến chứ không chỉ nói về cái nghèo thì chúng ta đang cho đi nhiều hơn chúng ta tưởng vì kẻ khó cần nơi chúng ta sự cảm thông và san sẻ nhiều hơn bất cứ điều gì.
Năm nay đánh dấu 60 năm thành lập liên Tu sĩ Roma và kỷ niệm 30 năm phong Hiển Thánh cho 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam (19/06/1988). Sự trùng hợp này như một lời nhắc nhở để tu sĩ chúng ta dần thân trong sứ mạng một cách đúng đắn nhất. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.” Con cháu các thánh TỬ VÌ ĐẠO thì cũng can trường tiếp nối hào khí của cha ông bằng việc SỐNG VÌ ĐẠO. Tuy sống xa quê hương, nhưng chúng ta được mời gọi hòa nhịp với đường hướng mục vụ của các vị mục tử tại Giáo Hội Việt Nam: Đồng Hành với các Gia Đình Trẻ. Chính chúng ta cần ý thức và trân trọng vai trò “tế bào” xã hội và Giáo Hội của mỗi gia đình: tích cực nâng đỡ họ bằng cầu nguyện và hy sinh hãm mình; đồng hành với họ bằng giáo huấn tinh tuyền của Hội Thánh, mời gọi họ năng lãnh nhận bí tích Giao Hòa và Thánh Thể; lắng nghe trăn trở của họ và chuyển đạt đến những chuyên gia có thể trợ giúp họ. Nhưng xem ra những việc làm này còn hơi trừu tượng so với lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trước cử tọa hơn 2500 người tham dự Đại Hội Toàn Quốc lần thứ V của Giáo Hôi Ý (the 5th National Ecclesial Congress for the Church in Italy) với chủ đề Một Nhân Loại Mới trong Đức Kitô, Ngài ngỏ lời trực tiếp với giới trẻ: “Hỡi các bạn trẻ, xin đừng chỉ đứng ngó cuộc sống từ các ban công, mà hãy dấn thân và hòa nhập vào những cuộc đối thoại rộng lớn trong cả lĩnh vực xã hội lẫn chính trị.” Không phải chỉ có các bạn trẻ người Ý mà mỗi tu sĩ Việt Nam chúng ta, nhất là ai đang nghiên cứu và học tập tại Giáo Đô Rôma cũng cần hưởng ứng lời kêu gọi của vị cha chung. Đã đến lúc chúng ta cần ý thức hơn về sứ mạng dấn thân tích cực trong cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí nhằm giúp con người thời đại nhận thấy Giáo Hôi không phải là một bảo tàng viện cũ kỹ nhưng đích thực là nguồn suối sống động, nhờ đó mọi Kitô Hữu có thể chiếu tỏa sự sống ra xung quanh (x. ĐTC Phanxicô, Phát Biểu khai mạc Thượng Hội Đồng Thế Giới về Gia Đình, tháng 10, 2015).
Sau cùng, dòng suy tư về căn tính và sứ mạng của Tu sĩ Việt nam tại Rôma nhắc nhớ chúng ta về cuộc đời và gương sáng của một nữ tu rất trẻ, Thánh Nữ Théresè Hài Đồng Giêsu. Khi vừa tròn đôi tám, chị Thánh tuy đã đạt được ý nguyện là trở thành đan sĩ Cát Minh nhưng vẫn cứ khắc khoải tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa cho chính cuộc đời của chị. Chị đã vui mừng khôn xiết khi được ơn khám ra ơn gọi đó: “A! Con biết rồi, từ nay trong lòng Hội Thánh, con sẽ là tình yêu.” Kể từ giờ phút đó, Théresè không ngừng dấn thân cho tình yêu, sống vì tình yêu và hóa mình thành tình yêu đem lại niềm an ủi cho bất cứ ai mà chị tiếp xúc. Món quà vô giá người nữ tu trẻ này để lại cho chúng ta chính là linh đạo thơ ấu thiêng liêng của chị. Không chỉ biết rõ mà còn dấn thân hết sức quyết liệt cho ơn gọi của mình, Chị Thánh chính là mẫu gương cụ thể trình bày cho chúng ta biết thế nào là SỐNG VÌ ĐẠO: thể hiện tình yêu bằng những điều gần gũi và dung dị nhất trong đời sống thường ngày của chúng ta.
Sống, học tập và làm việc tại Rôma, anh chị em tu sĩ Việt nam trong suốt sáu thập kỷ qua đã lãnh nhận biết bao ơn huệ Chúa ban qua Giáo Hội nói chung và Giáo Hội địa phương nói riêng. Chính vì vậy, sẽ đẹp hơn rất nhiều khi chúng ta không những nói lời tri ân mà còn hành động cách cụ thể để góp phần phát triển Hội Thánh tại vùng đất này, nơi mà chúng ta đang sống và thụ ơn. Là dòng giống Lạc Hồng, là con cháu các Thánh Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam, tu sĩ chúng ta thừa hưởng nhiều di sản quý báu để đóng góp cho sự phồn vinh và phong phú của Giáo Đô Rôma. Một trong những di sản ấy chính là tinh thần trẻ trung và truyền thống gắn kết chặt chẽ vốn có của các gia đình Á Đông. Tinh thần trẻ trung thể hiện qua nhiệt huyết dấn thân. Tinh thần gia đình thấm đượm trong tình liên đới hiệp thông không phân biệt hội Dòng hay chức vị. Bảo tồn và phát huy được hai món quà thiêng liêng ấy là chúng ta đã có thể hoàn thành sứ mạng là Môn Đệ Đức Kitô, làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ, và giới thiệ gương mặt trẻ trung gần gũi của Hội Thánh cho nhân loại hôm nay.